VITIC
Nghiên cứu, điều tra, khảo sát

Đề tài: Nghiên cứu giải pháp phát triển Công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt may - Da giày của Việt Nam trong bối cảnh mới.

27/10/2023 13:53

MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết nghiên cứu
Dệt may - da giày là những ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, mang lại giá trị xuất khẩu lớn, giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lớn lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. 

Trong giai đoạn 2012-2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt tốc độ tăng bình quân 14,8%/năm, chiếm 15-16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước (Tổng cục Hải quan). Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 28,66 tỷ USD, lớn thứ 2 sau nhóm hàng điện thoại và linh kiện (34,32 tỷ USD). Theo số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2016, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng may mặc đứng thứ 3 thế giới về kim ngạch sau Trung Quốc và Bangladesh chiếm tỷ trọng 5,7%.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may hiện sử dụng trên 2,5 triệu lao động, chiếm 4,7% tổng lao động cả nước.

Với ngành da giày, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2012-2016 đạt tốc độ tăng bình quân cao 21,3%/năm, chiếm 7,6-9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Năm 2016, da giày là nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam với 16,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 9,2%. Còn theo WTO, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới về kim ngạch trong năm 2016, sau Trung Quốc, chiếm tỷ trọng 13,3%.

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), tổng số lao động trong ngành da giày đạt khoảng 1 triệu người.

Mặc dù mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng của ngành dệt may và da giày Việt Nam rất thấp do chủ yếu thực hiện gia công, nguyên phụ liệu phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, DN khó chủ động trong sản xuất và kém cạnh tranh về giá.  

Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng mang lại cho ngành dệt may và da giày Việt Nam những cơ hội to lớn để mở rộng thị trường, gia tăng XK... Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, hàng dệt may và da giày cần đáp ứng quy tắc xuất xứ cũng như những yêu cầu khác. Bên cạnh đó, làn sóng công nghiệp 4.0 khiến ngành dệt may và da giày Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ chuyển dần sản xuất quay lại các nước có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc… là các nước chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh phát triển CNHT đối với ngành dệt may - da giày.

Để khắc phục những tồn tại trên và nhằm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may - da giày xuất khẩu và tận dụng tốt các ưu đãi từ các FTA, Chính phủ và các Bộ ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển CNHT, trong đó có sản phẩm CNHT ngành dệt may - da giày, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may - da giày Việt Nam.

Bộ Công Thương đã có Quyết định số 9028/QĐ-BCT ngày 8/10/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Chính phủ sẽ ưu tiên thu hút vào lĩnh vực sản xuất nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, hình thành các cụm liên kết ngành trong sản xuất CNHT ngành dệt may - da giày tại các vùng kinh tế trọng điểm. Sau 3 năm thực hiện quy hoạch, CNHT dệt may - da giày đã thu được những kết quả tích cực song vẫn còn những vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ.

Với CNHT ngành dệt may, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để giải quyết khó khăn trong khâu dệt nhuộm nhưng các DN trong ngành vẫn đang NK bông gần 100%, NK vải 75%, NK phụ liệu tới 70%. Thực tế, nhiều DN trong và ngoài nước đã đầu tư hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ sợi tới may. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, các DN gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai, thủ tục hành chính. Nhiều địa phương từ chối các dự án đầu tư sản xuất vào dệt nhuộm do lĩnh vực này gây ô nhiễm môi trường.

Với ngành da giày, DN Việt Nam trong lĩnh vực CNHT ngành da giày chủ yếu là DN vừa và nhỏ (DNVVN) trong khi đầu tư về CNHT cần có nguồn vốn rất lớn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm chủ được các công nghệ trong ngành CNHT còn thiếu. Máy móc thiết bị lạc hậu dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định, giá thành sản phẩm cao. Các DN trong nước với xuất phát điểm thấp, thiếu vốn, thiếu nguồn lực, ý thức của đội ngũ công nhân và kĩ sư chưa cao.
Trước thực trạng trên, việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển CNHT ngành dệt may - da giày của Việt Nam trong bối cảnh mới là hết sức cần thiết.

2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
2.1. Tình hình nghiên cứu ngoài nước

Ratana E. (1999), “The role of small and medium supporting industries in Japan and Thailand”, Trong cuốn sách này, tác giả đã đề cập đến vai trò của CNHT đối với sự phát triển các ngành ở Nhật Bản, các chính sách tiêu biểu của Nhật Bản đối với phát triển CNHT; thực trạng CNHT của Thái Lan và CNHT của các DN nhỏ và vừa, các chính sách phát triển CNHT của Thái Lan; các vấn đề tồn tại của DN nhỏ và vừa và CNHT Thái Lan.

Guoqiang Long (2004), “China Policies on FDI: Review and Evaluation”. Trong nghiên cứu này, tác giả đã phân tích các chính sách đối với thu hút FDI, đặc biệt vào lĩnh vực phát triển CNHT, chính sách đối với NK các mặt hàng CNHT…

Terence P.Steward (2007), “China’s support programs for selected industries: Textile and apparel”, The Trade Lawyers Advisory Group, USA. Trong nghiên cứu này, tác giả nhấn mạnh vào sự hỗ trợ của chính phủ đối với phát triển ngành dệt và may mặc, bao gồm những hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại, chính sách thuế…

2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước
Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu về phát triển CNHT ngành dệt may - da giày. Điển hình là các nghiên cứu sau:
Đoàn Thị Hương Li (2008), Đại học Ngoại Thương, “CNHT ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”. Trong nghiên cứu này, tác giả đã phân tích thực trạng của CNHT ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu: thực trạng ngành sản xuất máy móc, thiết bị, ngành sản xuất nguyên liệu thô (bông, tơ tằm), phụ kiện ngành may, ngành thiết kế mẫu; đánh giá vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành dệt may; tiềm năng và cơ hội phát triển CNHT ngành dệt may; vai trò của Chính phủ trong phát triển CNHT ngành dệt may; đề xuất các giải pháp gia tăng giá trị của CNHT ngành dệt may trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguyễn Thị Dung Huệ (2014), “Kinh nghiệm phát triển CNHT của một số quốc gia trên thế giới”. Trong nghiên cứu này, tác giải đã phân tích sự cần thiết của phát triển CNHT ngành dệt may, phân tích kinh nghiệm phát triển CNHT ngành dệt may của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và rút ra những bài học cho Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Thị Loan (2008), Đại học Ngoại Thương, “Đẩy mạnh việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (global value chain – GVC) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN dệt may Việt Nam”. Trong đề tài này, tác giả phân tích vai trò của CNHT đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN dệt may Việt Nam. Đánh giá thực trạng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các DN dệt may Việt Nam. Đề xuất các giải pháp đẩy mạnh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN dệt may Việt Nam.

Đỗ Minh Thụy (2013), Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, “CNHT ngành giày dép – Nghiên cứu đối với ngành giày dép ở Hải Phòng”. Trên cơ sở nghiên cứu  đối với các DN giày dép ở Hải Phòng và các tài liệu khác, tác giả đã rút ra các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển CNHT ngành giày dép ở Việt Nam, từ đó, xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong phát triển CNHT ngành giày dép ở Việt Nam. Nghiên cứu thực trạng nhu cầu về sản phẩm CNHT tại các DN giày dép nhằm xác định sự phát triển của CNHT ngành giày dép đến phát triển ngành giày dép; xác định phương phướng và đề xuất phát triển CNHT ngành giày dép.

TS. Nhâm Phong Tuân, TS.Trần Đức Hiệp (2014), Đại học Kinh tế - Đại học Quốc giá Hà Nội, “Thấy gì từ việc phát triển CNHT của một số nước”: Các tác giả đã phân tích về chính sách phát triển CNHT của một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan và rút ra một số gợi ý cho Việt Nam.

Ths. Lưu Tiến Dũng, Ths Nguyễn Thị Kim Hiệp (2016), Đại học Lạc Hồng, “Các yếu tố tác động phát triển CNHT ở Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp ngành dệt may”: Thông qua mô hình SEM kết quả nghiên cứu làm rõ 05 yếu tố tác động đến phát triển CNHT ngành dệt may Việt Nam dưới góc nhìn của các DN CNHT gồm (i) môi trường thể chế - chính sách thu hút đầu tư, (ii) lợi thế cạnh tranh ngành, (iii) hợp tác giữa các DN CNHT và các tác nhân khác trong chuỗi cung ứng, (iv) dung lượng thị trường và (v) năng lực cạnh tranh của DN CNHT. Các tác giả cũng đưa ra các chính sách cần tập trung nhằm thúc đấy phát triển CNHT ngành dệt may ở Việt Nam.

TS. Trương Chí Bình (2016), Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, “Nghiên cứu tác động của hình thành Cộng đồng kinh tế các nước Đông Nam Á (AEC) đến phát triển CNHT Việt Nam”. Nghiên cứu này tập trung đánh giá hiện trạng CNHT Việt Nam nói chung và CNHT ngành dệt may - da giày nói riêng và đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT để tận dụng hiệu quả và giảm tác động bất lợi từ AEC.

Nhìn chung, các nghiên cứu về CNHT dệt may - da giày đã đưa ra đánh giá về CNHT ngành dệt may - da giày, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển và có những đề xuất nhằm thúc đẩy CNHT ngành dệt may - da giày của Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa đề cập đến bối cảnh mới tác động đến phát triển CNHT dệt may - da giày như phát triển kinh tế, xã hội gắn với môi trường, cơ hội và thách thức do các FTA tạo ra và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các nghiên cứu cũng chưa đưa ra những đánh về những tác động của chính sách cụ thể đến phát triển CNHT dệt may - da giày tại Việt Nam.

3. Mục tiêu nghiên cứu
- Phân tích thực trạng phát triển CNHT ngành dệt may - da giày của Việt Nam;
- Đánh giá triển vọng phát triển CNHT ngành dệt may - da giày của Việt Nam;
- Đề xuất giải pháp phát triển CNHT ngành dệt may - da giày của Việt Nam trong bối cảnh mới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Các chính sách liên quan đến các sản phẩm CNHT ngành dệt may - da giày
- DN sản xuất các sản phẩm CNHT ngành dệt may - da giày

4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: Phạm vi toàn quốc
- Về thời gian
+ Các chính sách về phát triển CNHT trong giai đoạn 2012 đến nay
+ Tình hình phát triển lĩnh vực CNHT dệt may - da giày từ năm 2012 đến nay

5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Cách tiếp cận
Trên cơ sở lý luận chung về sự cần thiết phát triển CNHT, nhóm tác giả phân tích phân tích thực trạng phát triển CNHT ngành dệt may - da giày của Việt Nam trong giai đoạn 2012 đến nay, từ đó đưa ra các các giải pháp, khuyến nghị về chính sách phát triển CNHT ngành dệt may - da giày.

5.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu
Được dùng để thu thập thông tin về các công trình nghiên cứu, các chính sách phát triển của Việt Nam và thế giới liên quan đến lĩnh vực CNHT dệt may - da giày.
- Phương pháp tổng hợp – phân tích số liệu
Sử dụng trong việc xử lý số liệu, phân tích số liệu về thực trạng sản xuất, khả năng cung ứng và xuất nhập khẩu (XNK) các sản phẩm CNHT dệt may - da giày.
- Phương pháp chuyên gia:
Tham khảo ý kiến của các chuyên gia về nội dung, đặc biệt những đề xuất trong báo cáo tổng kết đề tài.

6. Tính mới của đề tài
Đề tài phân tích rõ bối cảnh mới tác động đến phát triển CNHT ngành dệt may - da giày, đó là phát triển kinh tế, xã hội gắn với môi trường, cơ hội và thách thức do các FTA tạo ra, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các giải pháp đề xuất được xây dựng trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển CNHT ngành dệt may - da giày, chú trọng phân tích những mặt còn hạn chế (bao gồm cả về chính sách), từ đó kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN CNHT ngành dệt may - da giày. Điều này góp phần giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những chiến lược phát triển và chính sách phù hợp với thực tiễn.

7. Nội dung nghiên cứu
Chương 1: Cơ sở lý luận về phát triển CNHT ngành dệt may - da giày
Chương 2. Thực trạng phát triển CNHT ngành dệt may - da giày Việt Nam
Chương 3. Giải pháp phát triển CNHT ngành dệt may - da giày của Việt Nam trong bối cảnh mới.

 

KẾT LUẬN
 

Dệt may - da giày là một trong những ngành công nghiệp mang lại kim ngạch XK lớn Việt Nam, đóng góp đáng kể trong việc tạo ra việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, ngành dệt may - da giày đang ở trong đáy của chuỗi giá trị do lệ thuộc vào nguyên liệu NK.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển CNHT ngành dệt may - da giày. Các chính sách này đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất hàng may mặc và da giày, đặc biệt là hàng XK. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, một số chính sách vẫn chưa cụ thể, chưa sát với thực tiễn khiến DN gặp khó khăn trong quá trình thực thi.

Trong bối cảnh mới, sự phát triển CNHT ngành dệt may - da giày có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức mới. Nội dung Đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển CNHT ngành dệt may - da giày của Việt Nam trong bối cảnh mới” đã giải quyết được một số kết quả sau:

- Những vấn đề cơ bản về CNHT, phân tích các yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển CNHT gồm thị trường, vốn, nhân lực, công nghệ, chính sách, tính liên kết; đánh giá ý nghĩa của việc phát triển CNHT ngành dệt may - da giày, trong đó quan trọng nhất là góp phần tăng giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm sản phẩm may mặc - da giày xuất khẩu;

- Phân tích những bài học thành công trong phát triển CNHT ngành dệt may - da giày của một số quốc gia, từ đó đưa ra một số bài học gợi ý cho Việt Nam;
- Đánh giá thực trạng phát triển CNHT ngành dệt may - da giày giai đoạn 2012-2016, phân tích hiệu quả cũng như những mặt còn bất cập của các chính sách liên quan;

- Đề xuất các giải pháp cụ thể với cơ quan quản lý Nhà nước và DN một số giải pháp nhằm phát triển CNHT ngành dệt may - da giày trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tham gia nhiều FTA và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Chi tiết đề tài Quý độc giả xem tại đây;


 

Chủ nhiệm đề tài
Vũ Thị Đào


 

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.093.087