VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Công bố biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc

25/01/2022 10:13

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và nguồn nước Úc về biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc nhằm thay thế hoạt chất Glyphosate đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam.


Công bố biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc
(Ảnh: NQ)

Ngày 24/1, Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức “Lễ công bố biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc”.

Úc là một trong những thị trường truyền thống quan trọng đối với sản phẩm hoa xuất khẩu của Việt Nam suốt 23 năm qua, đặc biệt trong một số năm năm gần đây. Sản lượng xuất khẩu mỗi năm đạt gần 30 triệu cành hoa, lá trang trí, mang lại doanh thu 5,2 triệu USD/năm. Một trong những điều kiện kiểm dịch thực vật của Úc là hoa trước khi nhập khẩu phải được xử lý triệt mầm bằng thuốc có hoạt chất Glyphosate.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, kể từ ngày 30/6/2021, các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate bị loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường. Theo đó, Glyphosate không được sử dụng để triệt mầm hoa xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, Úc chỉ cho phép sử dụng duy nhất hoạt chất Glyphosate đối với hoa cắt cành nhập khẩu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu hoa cắt cành sang thị trường Úc, trong thời gian qua, Cục Bảo vệ Thực vật đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và nguồn nước Úc cũng như các đơn vị sản xuất hoa cắt cành trong nước thực hiện nhiều thí nghiệm tìm kiếm các hoạt chất thay thế Glyphosate. Hồ sơ kỹ thuật đã được Cục Bảo vệ Thực vật nhanh chóng hoàn thiện và gửi tới cơ quan chuyên môn của Úc để xem xét. Đồng thời, Cục cũng tổ chức nhiều cuộc họp song phương với phía Úc theo hình thức trực tuyến để đàm phán về vấn đề này. Với tinh thần hợp tác chặt chẽ và tạo điều kiện cho thương mại, Bộ Nông nghiệp và nguồn nước của Úc đã nhanh chóng thẩm định kết quả khảo nghiệm hoạt chất Metsufuron Methyl.

Sau nhiều tháng đàm phán tích cực, đến nay, Bộ Nông nghiệp và nguồn nước của Úc đã cho phép Việt Nam là nước đầu tiên được phép sử dụng hoạt chất Metsufuron thay thế cho Glyphosate để xử lý cho hoa cắt cành xuất khẩu vào Úc.

Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị các địa phương và Hiệp hội chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật theo đúng yêu cầu của phía Úc cũng như hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của Việt Nam để có thể nhanh chóng xuất khẩu hoa cắt cành sang thị trường này. Về phía Cục Bảo vệ Thực vật, Cục sẽ sẵn sàng tập huấn cho các đơn vị có nhu cầu, đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng địa phương và doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hoa cắt cành.

Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ Thực vật cũng sẽ tiếp tục làm việc với Úc để thử nghiệm hoạt chất khác thay thế cho Glyphosate trên các loại hoa khác xuất khẩu sang Úc. Đồng thời, Cục cũng sẽ hợp tác với các đối tác khác để thúc đẩy việc xuất khẩu hoa cắt cành và lá trang trí của Việt Nam sang các thị trường khác, góp phần phát triển bền vững ngành hoa của Việt Nam./.
 

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.103.411