VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương phối hợp nâng cao chất lượng nông sản

22/06/2022 09:41

Sáng 21/6/2022, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần này là quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch, thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” cho tương lai phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Mục tiêu cụ thể được đặt ra là, đến năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2 - 2,5 lần so với hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái.

Theo dự kiến, ngoài việc công bố Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022, cũng như công bố Định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Hội nghị cũng sẽ công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển với quy mô khoảng 2,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng góp phần xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng về phát triển vùng, liên kết vùng để thực hiện Quy hoạch đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

 

Đồng thời, quảng bá hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người Vùng thông qua Triển lãm ảnh nghệ thuật “Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển”.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác tham dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, trái cây lớn của cả nước. Đây còn là vùng có vị trí chiến lược quốc phòng an ninh, đặc biệt giàu tài nguyên và năng lượng tái tạo. Có lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu và giao thương quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vùng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của mình, chưa tranh thủ được độ mở cao của nền kinh tế với nhiều hiệp định thương mại tự do (cả song phương và đa phương) đã được ký kết để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp của vùng còn manh mún, chưa có quy hoạch bảo đảm, sản xuất chưa theo tín hiệu của thị trường; nhiều loại nông sản, trái cây chưa được chế biến, chủ yếu là xuất khẩu thô và tiêu thụ qua đường tiểu ngạch, chất lượng sản phẩm không ổn định, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Sản xuất công nghiệp của vùng chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành thâm dụng đất đai, lao động với giá trị thấp; phát triển năng lượng còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, 
Bộ Công Thương sẽ khẩn trương xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao cho ngành, làm cơ sở tổ chức thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong toàn ngành từ trung ương đến địa phương.

 


Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại phát triển mạnh mẽ thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, Bộ sẽ chủ động tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, hỗ trợ khai thác lợi thế của các FTA cho các địa phương, doanh nghiệp trong vùng; tổ chức triển khai hiệu quả Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản nhằm tiêu thụ tối đa sản phẩm nông sản.

Trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng đề án xúc tiến thương mại quy mô cấp vùng với các hình thức xúc tiến thương mại khác nhau tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xúc tiến nông sản tại nước ngoài, quảng bá sản phẩm trên môi trường số, qua các kênh phân phối truyền thống và các sàn giao dịch thương mại điện tử...
 

Trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ tiếp tục hỗ trợ các địa phương quảng bá thương hiệu nông sản, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước và xuất khẩu; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tham gia, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của vùng.
 

Đồng thời phối hợp các bộ, ngành chức năng trong đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng trái cây và nông sản; làm tốt việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, duy trì và đảm bảo chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường.


Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương phối hợp quy hoạch lại vùng sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương trong vùng, thứ nhất, phối hợp quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi hợp lý; thu hút đầu tư trong sản xuất, chế biến và ứng dụng công nghệ bảo quản nhằm nâng cao chất lượng và hàm lượng giá trị của sản phẩm; xây dựng thương hiệu, mã số, vùng trồng, vùng nuôi để hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; Kết nối với các cơ quan chức năng của Bộ và các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt các thông tin thị trường để định hướng cho sản xuất.

Hai là, hướng dẫn doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch theo tiêu chuẩn và quy định của thương mại quốc tế. Chú trọng công tác marketing, xây dựng thương hiệu, bảo hộ những sản phẩm đặc sản từng vùng miền, có chỉ dẫn địa lý để hàng hóa 
Đồng bằng sông Cửu Long có chỗ đứng và đi sâu vào các khu vực thị trường thay vì tập trung chủ yếu ở các thị trường khu vực gần biên giới.

Ba là, chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực xúc tiến thương mại của doanh nghiệp địa phương, chú trọng khai thác hiệu quả các công cụ số, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại; Triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng theo Kế hoạch xúc tiến thương mại cấp Vùng do các địa phương đã thống nhất xây dựng với sự hướng dẫn của 
Bộ Công Thương.

Cuối cùng là tập trung quy hoạch, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng (giao thông, vận tải, logistics…) nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực.

Riêng về định hướng phát triển 
năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát khí nhà kính vào năm 2030. Đây là cơ hội rất lớn cho phát triển năng lượng tái tạo của toàn vùng.

Tại Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ, dự kiến tỉ lệ công suất nguồn năng lượng gió, mặt trời đến năm 2030 chiếm tỉ trọng 18-23% tổng công suất hệ thống. Theo danh mục nguồn điện trong Dự thảo 
Quy hoạch điện VIII, khu vực Nam Bộ (bao gồm cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long) dự kiến đến năm 2030 phát triển khoảng gần 8.000 MW điện gió trên bờ và ngoài khơi; điện mặt trời phát triển giai đoạn sau năm 2030.

Quy hoạch lần này chỉ quy hoạch tổng quy mô công suất theo vùng, miền, không quy hoạch dự án cụ thể. Sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Riêng các dự án mua bán điện trực tiếp và sử dụng tại chỗ, Bộ đang trình các cấp có thẩm quyền cho phép để triển khai thực hiện.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc khảo sát, đề xuất các dự án phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, chú trọng các dự án liên kết vùng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh; Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng; Đẩy mạnh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước để sớm trở thành trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của đất nước; Tập trung cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng cho các dự án.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, về phía Hội đồng điều phối Vùng, cần có cơ chế đối thoại định kỳ để kịp thời thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.020.414