VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm về phát triển năng lượng tái tạo

02/06/2023 09:39

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Là một trong 3 Bộ trưởng phát biểu giải trình tại hội trường Quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cảm ơn các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đã thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, góp ý rất chân thành, thẳng thắn để Ngành tiếp tục vươn lên thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Năng lượng tái tạo có thể là nguồn điện năng có giá rẻ nhất nếu chưa tính các phí truyền tải và lưu trữ điện

Về phát triển năng lượng tái tạo và cơ chế xác định giá cho điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong những năm gần đây, điện gió, điện mặt trời phát triển khá mạnh ở nước ta do nhu cầu điện năng tăng nhanh và cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước khá hấp dẫn. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió và mặt trời.

“Tuy nhiên, có một số nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp, vì thế, muốn sử dụng nguồn năng lượng này phải đầu tư khá lớn cho hệ thống truyền tải hoặc lưu trữ điện”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.

Mặt khác, để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện và phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo, theo Bộ trưởng, phải có một số nguồn điện nền ổn định, nghĩa là có khả năng phát liên tục 24/24 để bù đắp cho những khi không có nắng và gió.

Thực tế, ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí, sinh khối và thủy điện cũng được xem là nguồn điện nền, trong khi đó, các nước còn có cả điện hạt nhân. “Bởi vậy, dù nguồn điện này có đắt hơn, phát thải carbon có nhiều hơn, nhưng trong ngắn hạn, chúng ta chưa có nguồn hoặc giải pháp khác thay thế thì điện chạy bằng than, dầu, khí vẫn được duy trì, huy động để bảo đảm an toàn hệ thống điện”- tư lệnh ngành Công Thương chia sẻ.

Nhấn mạnh than, dầu khí là những nguyên liệu sơ cấp và thị trường thế giới ấn định giá, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong những năm qua, do đứt gãy nguồn cung nên giá than, dầu, khí tăng cao, dẫn đến giá thành điện năng chạy bằng các nguyên liệu trên thường cao hơn các nguồn điện khác nếu chưa tính phí truyền tải. Điện gió, điện mặt trời do không tốn tiền mua nhiên liệu sơ cấp nên giá thành điện năng lại phụ thuộc vào giá thành công nghệ và thiết bị. Trong khi đó, công nghệ thế giới phát triển rất nhanh, vì thế giá thành thiết bị và công nghệ giảm đi hàng năm (trung bình giảm từ 6 - 8%), làm cho giá thành năng lượng tái tạo (chưa tính phí truyền tải và lưu trữ điện) giảm đi theo thời gian.

Về lâu dài, năng lượng tái tạo có thể là nguồn điện năng có giá rẻ nhất nếu chưa tính các phí truyền tải và lưu trữ điện”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Khung giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp phù hợp với giá thế giới và trong nước

Thông tin về cơ chế tính giá năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dựa vào các căn cứ pháp lý là Luật Điện lực, Luật giá và các nghị định của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng khung giá được xác định trên cơ sở số liệu thống kê của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua, bán điện.

Quá trình tính toán, thẩm định khung giá, Bộ có so sánh với số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế, tư vấn GIZ, Viện Năng lượng…, đặc biệt là đã thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá…”- Bộ trưởng chỉ rõ và cho biết thêm, theo số liệu giám sát đầu tư của các Tổ chức quốc tế thì suất đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới giai đoạn 2018 - 2021 giảm 11%/năm, suất đầu tư điện gió trên bờ nối lưới giảm 6,3%/năm. Đối với Việt Nam, giá FIT 2 áp dụng cho các dự án điện mặt trời ban hành năm 2020 của Chính phủ đã giảm 8% so với giá FIT 1 ban hành năm 2017. Vì vậy, khung giá phát điện theo Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ban hành tháng 01/2023 giảm khoảng 7,3% so với giá FIT 2 được ban hành năm 2020. Tỷ lệ giảm suất đầu tư của nhà máy điện mặt trời, điện gió đã được tính toán kỹ và lấy ý kiến của các chuyên gia thuộc Hội đồng tư vấn.

Vì vậy, cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong nước”- Bộ trưởng khẳng định.

Cần sự vào cuộc đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo chưa được nối lưới

Về vấn đề xử lý đối với các dự án điện gió, điện mặt trời không đủ điều kiện áp giá FIT, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn cho rằng: Không thể phủ nhận sự lãng phí nếu hàng chục dự án điện mặt trời và điện gió được đầu tư mà chưa được khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, để không lãng phí nhưng cũng không bị xem là hợp thức hóa cái sai, thậm chí là vi phạm quy định pháp luật hiện hành thì rất cần phải có chủ trương và cơ chế của cấp có thẩm quyền, sự chấp nhận và nỗ lực của các chủ đầu tư, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương thì mới tháo gỡ được, bởi “Hầu hết các chủ đầu tư các dự án nêu trên đã “chạy đua” với thời gian để được hưởng giá FIT nên đã bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, các thủ tục theo quy định của pháp luật (thậm chí là vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành). Chính sách giá FIT đã hết hiệu lực được thể hiện ngay trong các Quyết định 13 và 39 của Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải dừng đột ngột, thì đương nhiên các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp không thể áp giá FIT mà phải căn cứ theo quy định của Luật Giá, Luật Điện lực, các Nghị định có liên quan và trên cơ sở đàm phán trong khung giá quy định để chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ.

Hiện nay, cả nước có 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng không đủ điều kiện được hưởng giá FIT với tổng công suất hơn 4.736 MW. Để có thể huy động, đưa các nhà máy này vào vận hành, tránh lãng phí, bức xúc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Căn cứ quy định của Luật Giá, Luật Điện lực và các Nghị định có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành Thông tư 15/2022/TT-BCT và Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 quy định phương pháp xác định và khung giá áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Bộ cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn EVN khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các dự án này vào vận hành.

Tuy nhiên, đến ngày 30/3, tức là sau 2 tháng kể từ khi Quyết định khung giá có hiệu lực, chỉ có 1 nhà đầu tư đến nộp hồ sơ”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và cho biết thêm, qua nhiều nỗ lực của Bộ Công Thương từ gặp gỡ, đối thoại với các chủ đầu tư, các bên liên quan và ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn EVN, đến ngày 31/5, đã có 59/85 nhà máy với tổng công suất 3.389 MW, chiếm 71,6% số dự án đã nộp hồ sơ tới EVN, trong đó có 50 dự án đang được đề xuất giá tạm thời bằng 50% khung giá để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục. Hiện còn 26 nhà máy với công suất là 1.346 MW, chiếm 28,4 % số dự án, vẫn chưa gửi hồ sơ tới EVN.

Lý do mà chúng tôi được biết: Các chủ đầu tư chậm gửi hồ sơ là do không muốn đàm phán với EVN trong khung giá mà Bộ Công Thương ban hành, vì cho là thấp; lý do thứ 2 là có thể chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý hoặc nhà máy ở vị trí khó khăn về truyền tải điện”- Bộ trưởng nêu và đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho chủ trương, cơ chế tháo gỡ để Bộ Công Thương, các bộ, ngành và địa phương có cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề trên, tránh lãng phí nguồn lực, bức xúc cho xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên nhưng cũng để các tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ này không bị xem là vi phạm pháp luật.

Nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên quan hệ chính trị, an ninh với các nước láng giềng

Đề cập đến vấn đề nhập khẩu điện của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Chủ trương mua, bán điện của Việt Nam từ nước ngoài đã được quy định tại Luật Điện lực và các nghị định có liên quan. Việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam đối với các nước láng giềng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống và được xác định trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng thời kỳ.

Dẫn chứng thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, từ năm 2015, Việt Nam đã là nước nhập khẩu năng lượng tịnh, đã nhập than, dầu để phát điện và sắp tới sẽ nhập khí LNG. Việc nhập khẩu điện đã được thực hiện từ nhiều năm trước, như với Trung Quốc từ năm 2010, Lào từ năm 2016.

“Việc nhập khẩu điện từ Lào cũng được thể hiện thông qua Hiệp định phát triển hợp tác công trình năng lượng và mỏ, Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ 2 nước nhằm tăng cường quan hệ toàn diện với bạn. Nhập khẩu điện của Lào không chỉ là quan hệ kinh tế mà còn là quan hệ chính trị, ngoại giao và để bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh của đất nước”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, nguồn điện nhập khẩu thời gian qua luôn có trong cơ cấu nguồn điện của các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập khẩu điện còn rất nhỏ và chỉ dành cho các khu vực biên giới. Đặc biệt, việc nhập khẩu điện từ nước ngoài là điện sạch, bởi vì nếu có phát thải thì phát thải ở nơi sản xuất. Thời gian qua, nhập khẩu điện chỉ để cung cấp cho khu vực biên giới nên rẻ hơn giá năng lượng tái tạo trong nước, vì nếu phải cộng chi phí truyền tải và hao hụt đường dây từ miền Trung, miền Nam ra Miền Bắc là rất cao. Hệ thống truyền tải điện từ các nhà máy điện trong nước ra khu vực biên giới của chúng ta hiện chưa đồng bộ, chưa thuận lợi bằng hệ thống điện của nước bạn đến biên giới của hai nước.

Nhập khẩu điện, kết nối lưới điện và trao đổi điện năng giữa các nước trong khu vực là cần thiết nhằm đa dạng hóa các nguồn điện, nhất là điện nền để trong tương lai chúng ta có thể khai thác, phát triển năng lượng tái tạo trong khi chưa có nguồn điện nền khác thay thế”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.092.898